(Trích trong luận văn nghiên cứu mỹ thuật của hoạ sĩ Thanh Xuân)

Theo Đại từ điển tiếng việt, sơn mài là chất liệu hội hoạ, chế từ nhựa sơn, trong và bóng, dùng để vẽ tranh hay còn gọi tắt là “tranh sơn mài”. Tên gọi là sơn mài thực chất được bắt nguồn từ nguyên liệu pha trộn, kết dính là sơn và kỹ thuật mài.

Sơn ta có tên khoa học là Rhus Succedanea, là sơn được trích chất nhựa lấy từ vỏ một loại cây có tên là cây sơn, được trồng nhiều trên những vườn đồi đất tỉnh Phú Thọ vùng trung du Bắc bộ. Nhựa cây sơn được tinh chế để dùng trong mỹ nghệ, nghệ thuật tạo hình và xuất khẩu.

Nhựa sơn có nhiều đặc tính độc đáo như độ kết dính cao, rất bền chắc, chịu các yếu tố nhiệt, axit, mài mòn… sử dụng như một loại keo để hàn khắc gỗ , tre, nứa. Có độ rắc đặc biệt nhưng lại có sự mềm dẻo đàn hồi thực vật, nhựa cây sơn khô theo cách thẩm thấu nên bám chắc vào đồ vật được sơn ( sơn nhân tạo khô theo cách tạo màng). Sơn có tính giãn nở và chịu được độ ẩm cao nên hay dùng để quét lên đồ vật như bàn, ghế, tủ, gường, thuyền, thúng… vừa bóng đẹp và tăng độ bền cho đồ vật. Tính chất của sơn chỉ khô nhanh trong môi trường không khí ẩm và ấm.

Sơn mài nghệ thuật ( còn gọi là sơn mài) tên dùng để phân biệt sơn mài mỹ nghệ, vào những năm 30 của thế kỷ 20, sơn mài nghệ thuật được phát triển từ chất liệu, vật liệu và kỹ thuật của nghề sơn và chỉ sử dụng loại sơn chín là sơn cánh gián, sơn then để vẽ tranh cho hiệu quả trong trẻo, chiều sâu huyền ảo, có khả năng diễn tả, ngôn ngữ biểu đạt riêng biệt. Khác với sơn tây, sơn công nghiệp được làm từ hoá chất, nhiều màu, nhanh khô, có mùi hăng.

Cùng với lụa, sơn mài là chất liệu tạo hình độc đáo mà Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đóng góp cho hội hoạ thế giới. Nhờ sự tiếp thu kinh nghiệm từ các nước bạn và được kế thừa từ các hoạ sĩ người Pháp tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Các hoạ sĩ VN đã tìm tòi ra cách thể hiện riêng biệt với dòng tranh sơn mài của Trung Quốc và Nhật Bản. Để vẽ tranh sơn mài có phần công phu, cầu kỳ và phức tạp hơn, phải trải qua các khâu cơ bản mới hoàn thành một tác phẩm. Nhờ vào những đặc tính của sơn, cho phép vẽ nhiều lớp chồng lên nhau với điều kiện lớp dưới khô hoàn toàn mới vẽ lớp khác lên, khi khô có thể chịu được lực mài, mài để cắt xuống các lớp vẽ trước đó, cho ra hiệu quả của nhiều lớp màu cộng hưởng lại, hay hiệu ứng ma-che đặt chồng nhau. Nguyên tắc vẽ sơn mài là bề mặt tranh phải phẳng, mài phẳng mới được đánh bóng, dùng sơn phủ là sơn chín còn gọi là sơn quang dầu làm từ sơn sống có tỉ lệ mật dầu cao để phủ toát lên tranh sơn mài.

Cách bước vẽ cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt trên nền tấm vóc ( làm từ sơn ta, bọc vải, hom bó, mài phẳng, quang hom) như: cần những vật liệu khác (vỏ trứng gà, vịt, ốc, sà cừ…) làm phẳng bề mặt bằng cách mài, trộn các loại màu bột với cánh gián hoặc sơn then sao cho nhuyễn, tan hết, quét sơn lên bề mặt, phủ bạc, phủ vàng, rồi mang đi ủ cho khô mới vẽ tiếp. Quá trình được lặp đi lặp lại như nhau phủ – ủ mài. Càng nhiều lớp thì độ uyển chuyển càng dễ chịu, phóng khoáng, lớp viễn cận có chiều sâu sinh động, nhận ra điều đó chỉ khi ta càng ngắm tranh lâu càng thích mắt vì còn nhiều lớp màu thú vị bên dưới sơn cánh gián. Khi các lớp màu đã vẽ khô hoàn toàn, lấy giấy nhám nước, hoặc đá mài, than gỗ mài nhẹ tay để các lớp màu ửng lên, phẳng mặt tranh, nếu chưa ưng ý, có thể vẽ tiếp giống các công đoạn ban đầu. Khi đánh bóng, dùng cánh gián hoặc dùng bột chu than xoa lên mặt tranh bằng tay. Nếu chỉ có bột chu nâu, thì rang bột chu nâu trên lửa đến khi chuyển sang màu đen rồi sử dụng. Công đoạn cuối, để điểm nhấn trong tranh hút mắt và đẹp hơn, có thể dán hoặc thếp bạc, vàng bằng sơn cánh gián mỏng. Có thể cân chỉnh sắc độ của tranh bằng cánh gián mỏng.

Mỗi công đoạn đòi hỏi tiêu tốn khoảng thời gian nhất định của hoạ sĩ, muốn tranh được trong thì không đốt cháy giai đoạn được. Khi thực hiện một tấm tranh có khi mất cả năm là chuyện vô cùng bình thường. Không như sơn dầu, nếu vẽ hỏng hoặc chưa ưng ý, đúng màu thì có thể đắp thêm hoặc cạo đi vẽ lại. Ở sơn mài, điều đó không dễ dàng, nếu không vừa ý phải mài xả đi hết những chỗ màu hư hoặc chỗ bị rộp, nếu không khi sơn trong sẽ ửng hết những vệt màu hư. Công đoạn luôn phải cẩn thận, chính vì thế, tranh sơn mài truyền thống luôn tinh tế và có độ sâu thẳm cuốn hút ánh nhìn vào trong tranh. Nét đẹp sang quý của vàng, một vật liệu khá đắt đỏ được sử dụng trong tranh sơn mài, chỉ cần điểm xiết vài chỗ đắt giá đã mang đến cho không ít bức tranh trở nên lung linh. Bề mặt nhẵn bóng của tranh như một tấm tranh phản chiếu nhiều màu sắc, vật liệu vàng, bạc, sơn… ẩn hiện dưới nhiều lớp sơn một cách tinh tế đến huyền ảo. Đó là một quy trình không thể thiếu và trở thành khuôn mẫu cho nhiều thế hệ.